Chuyến đi Thái Bình
Tìm hiểu rừng ngập mặn Thái Bình cùng câu lạc bộ Green Ribbon
Trong blog này mình sẽ nói về chuyến đi Thái Bình 4 ngày 3 đêm vào tháng 7 cùng nhóm Green Ribbon. Mục đích của chuyến đi này là để tìm hiểu về rừng ngập mặn ở huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình cũng như cuộc sống của người dân địa phương. Sau khi di chuyển về Thái Bình trong ngày đầu tiên thì ở ngày thứ hai, mình đi trồng rừng ngập mặn cũng như ngắm cảnh bình minh trên biển lúc 5h sáng.
Rừng ngập mặn mình đi thăm là khu mới được trồng nên các cây còn khá bé. Những khu ở sâu trong đất liền (ở xa xa bên trái bức ảnh trên) là khu được trồng từ 2,3 năm trước và càng ngày người dân sẽ trồng ra xa hơn. Việc trồng những khu rừng ngập mặn ven biển này giúp tạo ra 1 lá chắn tự nhiên cản đi những cơn sóng lớn, ngăn cho chúng phá hủy phần đê phía trong cũng như ảnh hưởng tới người dân. Bác gái hướng dẫn nhóm mình kể rằng vào buổi tối khi thủy triều lên, sẽ có thuyền từ ngoài biển vào trở hàng trăm cây bần, đước rồi thả tại bãi trồng để khi thủy triều rút, mọi người sẽ đi bộ từ trong đất liền ra để trồng. Thông thường người dân sẽ trồng từ 5 giờ sáng tới 3, 4 giờ chiều và được trả công cho số cây trồng được. Toàn bộ dự án này được tài trợ bởi 1 tổ chức môi trường ở Đan Mạch.
Sau khi ra đến bãi bồi trồng cây, bác gái bắt đầu hướng dẫn mình cách trồng cây. Đầu tiên là cách xúc đất bằng xẻng. Do đất ở đây cực kì cứng nên nếu ta xúc bình thường thì có thể gãy cả xẻng. Vì thế ta phải xúc theo hình tam giác tức đâm xẻng xuống 3 nhát thành 1 hình tam giác rồi xúc phần đất tam giác ấy lên. Mỗi khi đâm xuống mình cũng cần chọc thật sâu rồi đợi nước biển tràn vào làm đất mềm đi.
Sau khi xúc được đất lên, mình bắt đầu đặt cây vào các cọc vừa đóng. Các cọc này sẽ giúp cây không bị sóng đánh đổ khi có bão. Lúc mình buộc cây xong xuôi, mặt trời chói chang cũng ló rạng nên nhóm mình nhanh chóng về bờ. Lúc này ở xa xa cũng có các ngư dân đang kéo những thùng cá từ thuyền về bờ.
Sau khi ăn sáng và về phòng nghỉ ngơi, mình đi khảo sát, tìm hiểu về làng nghề làm nước mắm từ cá biển của người dân bản địa. Loại nước mắm này có tên nước mắn Diêm Điền và được làm từ những cá tươi được chuyển từ những chiếc thuyền khai thác ngoài biển. Sau đó cá được rửa sạch, để một lúc cho khô hết nước. Tiếp theo, cá được đem ủ vào trong những chiếc chum to, hoặc vại bằng gốm nung có nắp đậy kín đặt ngoài sân thoáng và đã được vệ sinh sạch sẽ theo đúng tỉ lệ 10 kg cá và 2 kg muối.
Cứ mỗi mười đến mười lăm ngày, những người thợ làm mắm sẽ mở nắp chum ra phơi và dùng que sạch quấy đều cho cá nhuyễn ra rồi lại tiếp tục đậy kín. Cứ như thế, khoảng 1 năm sau thì mở nắp ra để lọc lấy nước mắm. Đây là công đoạn rất công phu, lọc qua nhiều lần bẳng rổ, rả, vải sao cho nước mắm sau khi lọc phải trong và không cố váng. Lọc xong lại đem ra phơi vài nắng để cho ra nước mắm nguyên chất.
Sau khi nước mắm được lọc và kiểm định độ an toàn, nó sẽ được chứa trong các chai thủy tinh để bán. Mình cũng giúp người dân đóng gói sản phẩm.
Sau khi thăm quan cơ sở làm nước mắm, buổi chiều mình tiếp tục tìm hiểu về rừng ngập mặn. Khác với buổi sáng khi mình đi đến khu vực mới trồng cây gần biển, buổi chiều mình đến một khu rừng dày đặc cây nằm sâu trong đất liền. Điểm đặc biệt của rừng cây này là toàn bộ các cành cây thấp đều bị thủy triều cuốn trôi, chỉ còn những cành cây trên cao tạo thành một chiếc mái che màu xanh khổng lồ.
Hướng dẫn viên của nhóm mình là một thầy giáo địa phương. Vừa đi dưới tán cây xanh mát thầy vừa giảng về hệ động thực vật đầy đa dạng và độc đáo ở nơi này cũng như tầm quan trọng của rừng ngập mặn với người dân nơi đây. Sau 1 buổi chiều lội bùn trong rừng, ngày thứ 2 của chuyến đi cũng kết thúc và mình về phòng nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày kế tiếp.
Ngày thứ 3 bắt đầu bằng hoạt động vận chuyển cá từ tàu về bãi tập kết cùng những người dân chài địa phương. Dù còn cách cảng cá 1 quãng đường nhưng mình đã cảm nhận được mùi tanh cực kì đặc trưng cũng như vị mặn của biển.
Mặc dù 6 giờ sáng là thời điểm hầu hết mọi người đang say giấc nhưng tại nơi tập kết cá đã có vô số ngư dân tấp nập hối hả vác từng hộp xốp đầy ắp cá lên những chiếc xe tải để chở về khắp các chợ tại Thái Bình. Ở đây đông đúc tới nỗi nhóm mình không chen được vào để đến chỗ tập kết cá. Hậu quả là mình chỉ có thể đứng từ xa nhìn hàng hàng lớp lớp những xe chở cá nối đuôi nhau ra vào cảng. Mặc dù hơi buồn vì mọi chuyện không như kế hoạch nhưng mình cũng thấy thú vị trước sự tất bật của 1 cảng cá vào sáng sớm cũng như hiểu được phần nào sự hứng khởi của những ngư dân trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá".
Đến buổi chiều mình đến thăm hỏi và tặng quà cho 5 gia đình dân chài khó khăn. Do đất ở đây không canh tác được nên nghề nghiệp mưu sinh duy nhất của người dân nơi đây là đánh cá. Đây là 1 nghề cực kì nặng nhọc và bèo bọt đặc biệt đối với những người dân nghèo không đủ tiền đóng thuyền lớn khai thác xa bờ, họ chỉ có thể bắt những mẻ cá nhỏ gần bờ và bắt các loại ốc nhỏ trên biển. Chưa kể có nhiều gia đình trong đó có gia đình mình đến thăm chỉ còn 2 vợ chồng già sống nương tựa vào nhau, vất vả nuôi đứa con duy nhất bị khuyết tật. Hay có nhà của 1 bà lão đã mất hết gia đình phải tự nuôi sống bản thân. Sau khi nói chuyện và tìm hiểu về đời sống, hoàn cảnh của mỗi gia đình, mình mong rằng những phần quà của mình, mặc dù không có quá nhiều giá trị, sẽ giúp cho cuộc sống của họ trở nên đỡ vất vả đi nhường nào.